ĐÁNH GIÁ TÁC DỤNG CỦA VIÊN HOÀN SÂM NHUNG DO BỆNH VIỆN SẢN XUẤT TRONG ĐIỀU TRỊ THIẾU MÁU NHƯỢC SẮC

08/12/2016

Chủ đề tài:BS. Huỳnh Thảo Uyên và cộng sự
I. ĐẶT VẤN ĐỀ:
     Thiếu máu là hiện tượng giảm lượng huyết cầu tố và số lượng hồng cầu trong máu ngoại vi dẫn tới thiếu oxy cung cấp cho các mô tế bào trong cơ thể, trong đó giảm huyết sắc tố có ý nghĩa nhất.

Thiếu máu là một hội chứng bệnh lý do nhiều nguyên nhân gây ra làm cho tổng lượng hồng cầu lưu thông trong máu giảm dưới mức bình thường, làm cho máu không cung cấp đủ oxy cho tế bào.
      Theo thống kê của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, thiếu máu nhược sắc do giun móc chiếm 30%, do loét dạ dày 15,17%. Thống kê tại bệnh viện YHCT Phú Yên trong 3 năm (2007-2009) có 31,82% bệnh nhân có thiếu máu. Việc sử dụng viên hoàn Sâm nhung do bệnh viện sản xuất được áp dụng điều trị trên bệnh nhân suy nhược mạn, thiếu máu mạn…có cải thiện đáng kể về các triệu chứng lâm sàng nhưng chưa được đánh giá cụ thể. Vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu tác dụng của Viên hoàn sâm nhung điều trị trên bệnh nhân thiếu máu nhược sắc với 2 mục tiêu.
MỤC TIÊU ĐỀ TÀI: 
     - Đánh giá tác dụng viên hoàn Sâm nhung trong điều trị thiếu máu nhược sắc.
     - Tác dụng không mong muốn của thuốc.
II. TỔNG QUAN:
    Theo YHHĐ: 
     Máu là một dịch thể lưu thông tuần hoàn trong cơ thể, bao gồm tế bào máu và huyết tương. Tế bào máu gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu, trong đó hồng cầu là yếu tố trực tiếp liên quan đến sự thiếu máu.
     Hồng cầu người có tuổi thọ trung bình là 120 ngày, trong điều kiện sinh lý bình thường và số lượng hồng cầu ổn định, có sự cân bằng liên tục giữa số lượng hồng cầu bị chết và số lượng hồng cầu được sinh ra. Thiếu máu chỉ xảy ra khi sự cân bằng đó bị phá vỡ: hồng cầu bị phá hủy nhiều hoặc được sản sinh ra quá ít.
      Theo định nghĩa của WHO: Thiếu máu xảy ra khi mức độ huyết cầu tố lưu hành của một người nào đó thấp hơn mức độ của người khỏe mạnh cùng giới, cùng tuổi và cùng sống trong một môi trường.  
      Tất cả các loại thiếu máu đều có hiện diện ở Việt Nam, nhưng mức độ xuất hiện bệnh có tỷ lệ khác nhau.
      Nguyên nhân thiếu máu nhược sắc do thiếu sắt: Phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ sinh non hoặc thiếu cân, trẻ thiếu sữa hoặc ăn không đúng cách, bệnh mạn tính đường tiêu hóa, nhiễm KSTĐR như giun móc, kinh nguyệt…
     Thiếu máu nhược sắc không do thiếu sắt: nhiễm độc, Thalassemia, thiểu năng tuyến giáp…
     Thống kê tại bệnh viện YHCT Phú Yên trong 3 năm (từ tháng 1/2007 đến tháng 9/2009) có 2071 bệnh nhân thiếu máu, trong đó thiếu máu có nhiễm giun móc 659 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 31,82%.
    Theo YHCT:
     Máu là một dịch thể có màu đỏ lưu thông tuần hoàn giúp cho hoạt động trong cơ thể, tương ứng trong YHCT là nói đến huyết. Huyết là 1 trong 5 dạng vật chất giúp cho cơ thể sống hoạt động. Huyết được sinh ra tưới nhuận các kinh lạc, chu lưu khắp toàn thân, giúp nuôi dưỡng cơ thể, việc sinh ra huyết và hoạt động của huyết có liên quan trực tiếp đến hoạt động của các chức năng Tỳ, Tâm và Can; gián tiếp có liên quan đến Phế và Thận.Do đó khi có rối loạn về chức năng các tạng nêu trên là có ảnh hưởng đến huyết và ngược lại.
     Nguyên nhân sinh bệnh: Bệnh nặng lâu ngày tổn thương tạng phủ, ăn uống không đầy đủ, tiên thiên bất túc, lao tâm quá làm tổn thương âm huyết, sinh đẻ nhiều, trùng tích…
     Các thể lâm sàng theo YHCT: Tâm huyết hư, Can huyết hư, Tâm Tỳ hư, Tỳ Thận dương hư, Khí huyết đều hư.
     Công thức của Viên Hoàn sâm nhung đã được hội đồng khoa học của bệnh viện xây dựng năm 2007, gồm các vị : 
     Thục địa
       - Tên khoa học: Rehmannia glutinosa.
       - Thành phần hóa học: b- sitosterol, mannitol, rehmannin, arginine,   glucose…
       - Tác dụng dược lý: Có vị ngọt, hơi ôn, vào kinh Can Thận, có tác dụng dưỡng huyết, tư âm, bổ tinh, ích tủy, cầm máu, ức chế miễn dịch…
     Hoài sơn
       - Tên khoa học: Dioscorea persimilis.
       - Thành phần hóa học: Chứa 63.25% glucid, 6.75% protid, 0.45% lipid, saponin, muxin (là 1 loại protid nhớt), acid amin, arginin, cholin, vitamin C, maltaza…
        - Tác dụng dược lý: Có vị ngọt, tính ôn, không độc, vào kinh Phế Tỳ, có tác dụng ích khí, dưỡng âm, bổ hư lao, ôn dưỡng cơ nhục, giúp tiêu hóa thức ăn tinh bột. 
      Sơn thù 
       - Tên khoa học: Cornus officinalis.
       - Thành phần hóa học: 13% saponin, tanin, vitamin A, E, C, có các acid hữu cơ (a.galic, a.malic, a.tactric)…
       - Tác dụng dược lý: Có vị chua, tính hơi ôn, vào kinh Can Thận, có tác dụng bổ ích Can Thận, lợi tiểu, hạ áp, ức chế tụ cầu vàng…
     Bạch linh 
       - Tên khoa học: Poria cocos.
       - Thành phần hóa học: Các acid có thành phần hợp chất tritecpen, 75% đường pachyman, cholin, histidin, lipase, ít men proteaza…
       - Tác dụng dược lý: Có vị nhạt, tính bình, vào kinh Tâm Tỳ Thận, có tác dụng lợi thủy thẩm thấp, kiện tỳ, an thần, lợi tiểu, tăng miễn dịch, kháng ung thư…
     Nhung nai
       - Tên khoa học: Cornu cervi parvum.
       - Thành phần hóa học: Chứa 52.2% protid, 2.5% lipid, chất keo gelatin, muối khoáng 34% (calcium, sắt, magnesium…), chất đạm và 1 chất nội tiết gọi là Lộc nhung tinh…
       - Tác dụng dược lý: Có vị ngọt, mặn, tính ôn, không độc, vào kinh Can Thận Tâm, có tác dụng bổ dưỡng, sinh tinh, ích huyết, làm mạnh gân xương, làm giảm hiện tượng mệt mỏi lao lực.
     Ngưu tất
       - Tên khoa học: Achyranthes bidentatae.
       - Thành phần hóa học: Saponin, galactoza, glucoza, muối kali…
       - Tác dụng dược lý: Có vị đắng, tính bình, vào kinh Can Thận, có tác dụng hoạt huyết khu ứ, bổ can thận, cường gân cốt, lợi tiểu thông lâm, thúc đẩy quá trình tổng hợp protein, hạ áp, hạ cholesterol…
     Đỗ trọng
       - Tên khoa học: Eucommia ulmoides. 
       - Thành phần hóa học: Gutta pecka có chứa chất màu, albumin, chất béo, tinh dầu, muối vô cơ, vitamin C…
       - Tác dụng dược lý: Có vị ngọt, tính ôn, không độc, vào kinh Can Thận, có tác dụng bổ can thận, cường gân cốt, an thai, hạ áp, hạ cholesterol, chống viêm, an thần, tăng miễn dịch, lợi tiểu, rút ngắn thời gian chảy máu…
     Ngũ vị tử
       - Tên khoa học: Schisandra chinensis.
       - Thành phần hóa học: Có tinh dầu, acid hữu cơ, vitaminC, E, đường, tanin, chất béo…
       - Tác dụng dược lý: Có vị chua, tính ôn, vào kinh Phế Thận Tâm, có tác dụng liễm phế tư thận, sinh tân liễm hãn, định tâm an thần, làm cân bằng quá trình hưng phấn và ức chế thần kinh, hạ áp, giảm ho, ức chế miễn dịch, tăng tiết mật…
     Nhân sâm
        - Tên khoa học: Radix Ginseng.
        - Thành phần hóa học: Riboflavin, Panaxatriol, Panoquilon, panaenic acid, panose, glucose, fructose, maltose, sucrose, nicotinic acid, thiamin…
        - Tác dụng dược lý: có vị ngọt, hơi đắng, tính hơi ôn, vào kinh Tỳ Phế, có tác dụng đại bổ nguyên khí, bổ Tỳ ích Phế, an thần, tăng trí.
III. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:
    A. Đối tượng nghiên cứu: 
      1. Cỡ mẫu: 30 bệnh nhân.
      2. Tiêu chuẩn chọn bệnh: 
       - Bệnh nhân điều trị nội trú tại các khoa lâm sàng, bệnh viện YHCT Phú Yên.
       - Không phân biệt tuổi, giới, nghề nghiệp.
       - Được chẩn đoán theo các tiêu chuẩn sau:
       a- Triệu chứng lâm sàng:  
       - Mệt mỏi, hồi hộp, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt.
       - Da xanh, niêm nhạt, móng tay chân nhợt nhạt.
   


   b- Triệu chứng cận lâm sàng: 
 
         Giới tính
Chỉ số Nam Nữ   
Hb (g/dl) < 13 < 12   
Hct (%) < 41 < 36   
HC (mm3) < 4.0 × 1012 < 3.8 × 1012   
MCV (fl) < 80 < 80   
MCHC (g/dl) < 32 < 32  

       c- Các thể bệnh theo YHCT: 
       - Thể Can thận hư: Sắc da khô xạm, xanh nhạt; móng tay chân nhợt nhạt, khô, dễ gãy; thể trạng gầy, mệt mỏi,  tay chân tê dại hoặc gân cơ co rút, hoa mắt, ù tai, mất ngủ, đau lưng, mỏi gối, lưỡi nhợt nhạt, mạch huyền tế.
       - Thể Khí huyết hư: Sắc mặt xanh xao nhợt nhạt, hồi hộp, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi yếu sức, thiếu hơi, biếng nói, mất ngủ, tự ra mồ hôi, lưỡi nhợt bệu, mạch tế nhược.     
       - Thể Tâm tỳ hư: Hồi hộp, hay quên, hoa mắt, chóng mặt, kém ăn, mệt mỏi, mất ngủ, sắc mặt úa vàng, lưỡi nhạt, mạch nhược.      
3. Tiêu chuẩn loại trừ:
       - Không tuân thủ chế độ điều trị.
       - Các trường hợp mất máu cấp tính, thiếu máu có chỉ định truyền máu (Hb < 7 g/dl, HC < 2,2 triệu).
    B. Phương tiện nghiên cứu:
       Viên hoàn Sâm nhung 10g, gồm các vị:
    Thục địa 2.5g
Hoài sơn 1.5g
Sơn thù 1.2g
Bạch linh 1.0g
Nhung nai 0.1g
Ngưu tất 0.5g
Đỗ trọng 0.3g
Ngũ vị tử 0.2g
Nhân sâm 0.1g
Mật ong Vừa đủ viên 10g.
    C. Phương pháp tiến hành:
     1. Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng không lô chứng.
     2. Lập hồ sơ nghiên cứu:
       - Khám lâm sàng, làm bệnh án, chẩn đoán thiếu máu nhược sắc.
       - Xét nghiệm: Công thức máu, TPT nước tiểu, phân tìm KSTĐR.
       - Theo dõi ghi chép đầy đủ các tiêu chuẩn cần đánh giá vào hồ sơ bệnh án khi vào viện và khi ra viện.
     3. Chế độ điều trị:  
       - Uống thuốc: Viên hoàn Sâm nhung 10g × 2 viên, chia 2 lần uống, sáng 8h - chiều 16h.
    4. Đánh giá kết quả:
       - Đánh giá cải thiện các triệu chứng lâm sàng trước và sau điều trị.
       - Đánh giá kết quả cải thiện các chỉ số cận lâm sàng: Hb, Hct, HC, MCV, MCHC trước và sau điều trị dùng phương pháp thống kê.
    D. Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 4/2012 đến tháng 10/2013.

IV. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU: 
- Từ tháng 4/2012 đến tháng 10/2013 điều trị được 20 bệnh nhân. 
Bảng 1: Phân bố theo tuổi, giới
 
         Giới
Tuổi Nam Nữ Tổng cộng   
Số lượng Tỷ lệ(%) Số lượng Tỷ lệ(%) Số lượng Tỷ lệ(%)   
40 - < 60 0 0 3 15 3 15   
> 60 4 20 13 65 17 85   
Tổng cộng 4 20 16 80 20 100  
*Nhận xét: Tỉ lệ mắc bệnh ở lứa tuổi > 60 chiếm 85%.

Bảng 2: Phân bố nghề nghiệp
 
Nghề nghiệp Số lượng Tỷ lệ (%)   
Nông dân 13 65   
Công nhân 1 5   
CBH-CNVC 3 15   
Khác 3 15  
*Nhận xét: Nhóm nghề nông, chiếm tỉ lệ 65%.

Bảng 3: Phân bố theo vùng dịch tễ 
 
Nơi cư trú Số lượng Tỷ lệ (%)   
Vùng biển 2 10   
Vùng núi 9 45   
Đồng bằng 9 45  
*Nhận xét: Bệnh nhân ở vùng núi; đồng bằng chiếm tỉ lệ 45%.

Bảng 4: Phân bố theo nguyên nhân
 
Nguyên nhân Số lượng Tỷ lệ (%)   
Nhiễm giun móc 2 10   
Thiếu dinh dưỡng 17 85   
Kinh nguyệt kéo dài 1 5  
*Nhận xét: Nguyên nhân do thiếu dinh dưỡng chiếm tỉ lệ 85%.
Bảng 5: Phân bố các thể theo YHCT
 
Thể lâm sàng Số lượng Tỷ lệ (%)   
Can thận hư 8 40   
Khí huyết hư 8 40   
Tâm tỳ hư 4 20  
*Nhận xét: Thiếu máu thể can thận hư; khí huyết hư chiếm tỉ lệ 40%.

Bảng 6: Mức độ cải thiện triệu chứng lâm sàng
 
Triệu chứng LS Số lượng Có cải thiện Tỷ lệ (%)   
Hồi hộp 5 5 100   
Chóng mặt 16 14 87,5   
Mệt mỏi 14 13 92,9   
Da xanh, niêm nhạt 14 7 50  
*Nhận xét: Triệu chứng hồi hộp, mệt mỏi và chóng mặt cải thiện với tỉ lệ cao.

Bảng 6: Chỉ số huyết áp trước - sau điều trị
 
Chỉ số huyết áp Trung bình trước điều trị Trung bình sau điều trị P   
Huyết áp tâm thu 133 ± 2.52 130 ± 2.18 > 0.05   
Huyếtáp tâm trương 81.5 ± 1.61 79 ± 0.69 > 0.05  
*Nhận xét: Chỉ số huyết áp trước và sau điều trị có sự thay đổi, nhưng không có ý nghĩa thống kê với P > 0.05.

Bảng 7: Mức độ cải thiện HC sau điều trị
 
HC Số lượng Tỷ lệ (%)   
Tăng 14 65   
Giảm 3 15   
Không thay đổi 3 15  
  
Giá trị trung bình Trước Sau P   
HC (mm3) 3.30 ± 0.39 3,54 ± 0.55 < 0.05  
*Nhận xét: Số lượng hồng cầu tăng sau điều trị, có ý nghĩa thống kê với P < 0.05

Bảng 8: Mức độ cải thiện Hb sau điều trị
 
Hb Số lượng Tỷ lệ (%)   
Tăng 15 75   
Giảm 3 15   
Không thay đổi 2 10  
  
Giá trị trung bình Trước Sau P   
Hb (g/dL) 10.38 ± 1.12 10.90 ± 1.1 < 0.05  
*Nhận xét: Chỉ số Hb tăng sau điều trị, có ý nghĩa thống kê với P < 0.05

Bảng 9: Mức độ cải thiện Hct sau điều trị
 
Hct Số lượng Tỷ lệ (%)   
Tăng 10 50   
Giảm 10 50   
Không thay đổi 0 0  
  
Giá trị trung bình Trước Sau P   
Hct (%) 41.03 ± 5.79 40.53 ± 6.76 > 0.05  
*Nhận xét: Chỉ số Hct có thay đổi, nhưng không có ý nghĩa thống kê với P > 0.05.

Bảng 10: Mức độ cải thiện MCV sau điều trị
 
MCV Số lượng Tỷ lệ (%)   
Tăng 8 40   
Giảm 11 55   
Không thay đổi 1 5  
  
Giá trị trung bình Trước Sau P   
MCV (fL) 124.15 ± 4.07 117.57 ± 4.98 > 0.05  
*Nhận xét: Chỉ số MCV có thay đổi, nhưng không có ý nghĩa thống kê với P > 0.05.

Bảng 11: Mức độ cải thiện MCHC sau điều trị
 
MCHC Số lượng Tỷ lệ (%)   
Tăng 10 50   
Giảm 8 40   
Không thay đổi 2 10  
  
Giá trị trung bình Trước Sau P   
MCHC (g/dL) 25.49 ± 0.69 27.34 ± 0.91 > 0.05  
*Nhận xét: Chỉ số MCHC có thay đổi, nhưng không có ý nghĩa thống kê với P > 0.05.

V. NHẬN XÉT – BÀN LUẬN: 
         Qua nghiên cứu 20 bệnh nhân, chúng tôi nhận thấy như sau:
-  Tỉ lệ mắc bệnh gặp ở lứa tuổi trên 60 tuổi, xảy ra nhiều ở người có tuổi (chiếm 85%), do nguyên nhân dinh dưỡng kém là chủ yếu của thiếu máu.
-  Nhóm nghề nông, chiếm tỉ lệ 65%. 
- Bệnh thuộc 2 thể lâm sàng thiếu máu thể can thận hư; khí huyết hư đều đáp ứng với điều trị.
-   Sau điều trị đa số bệnh nhân cải thiện số về lượng hồng cầu và chỉ số Hb.
-   Các triệu chứng lâm sàng liên quan đến thiếu máu đều được cải thiện tốt: hết hồi hộp, giảm chóng mặt, giảm mệt mỏi, cảm giác khỏe hơn, ăn ngủ khá hơn.
-  Thuốc không có tác dụng không mong muốn và không có bệnh nhân nào phải dừng thuốc trong thời gian điều trị.
-  Chưa đánh giá ảnh hưởng của thuốc trên các chức năng gan - thận.
VI. KẾT LUẬN:
- Hoàn sâm nhung là một chế phẩm đông dược, sử dụng điều trị trên bệnh nhân thiếu máu có cải thiện triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng (HC, Hb), cho kết quả bước đầu đáng khích lệ.
- Sẽ tiếp tục nghiên cứu với mẫu bệnh nhân lớn hơn để khẳng định hiệu quả điều trị của thuốc y học cổ truyền trên bệnh nhân thiếu máu mạn. 


     
VII. TÀI LIỆU THAM KHẢO:
     1. Nguyễn Thị Bay. Bệnh học điều trị và nội khoa kết hợp Đông – Tây y. NXB Y học Hà Nội 2007.
     2. Phạm Khuê. Cẩm nang điều trị nội khoa. NXB Y học Hà Nội 2000.
     3. Trần Văn Kỳ. Dược học cổ truyền. NXB Y học 2005.
     4. Trần Văn Kỳ. Đông y điều trị bệnh máu và cơ khớp. NXB Y học 2010.
     5. Trần Văn Kỳ. Thuốc bổ Đông y nghiên cứu và ứng dụng lâm sàng. NXB Thanh niên 1999.
     6. Đỗ Tất Lợi. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Y học 2005.
   

     HỘI ĐỒNG KHCN-CS                                                  Chủ đề tài



Nguồn tin: Bệnh viện y học cổ truyền Phú Yên

Tác giả: BS Huỳnh Thảo Uyên