GỪNG – VỊ THUỐC QUÝ CỦA ĐÔNG Y

09/12/2016

GỪNG – VỊ THUỐC QUÝ CỦA ĐÔNG Y
BSCKI Hàng Đức Vinh

Gừng là một loại gia vị rất quen thuộc và hầu như lúc nào cũng có sẵn ở ngăn bếp của mọi nhà. Gừng không những làm giảm bớt mùi của thực phẩm, thêm hương vị cho món ăn mà còn giúp cơ thể tiêu hóa và hấp thụ thức ăn dễ dàng. Ngoài ra, gừng còn là một vị thuốc quý trong kho tàng y học dân gian mà mỗi người có thể vận dụng để tự chữa bệnh cho mình.


Y học hiện đại đã nghiên cứu, chứng minh những kinh nghiệm dân gian của các nước châu Á về sử dụng gừng vàng làm thuốc và phát hiện thêm nhiều tác dụng quý của củ gừng. Gừng là vị thuốc có tác dụng ôn tán nên thường được phối hợp với Cam thảo và Đại táo, dùng nhiều trong các bài thuốc có nhiều vị thuốc đắng lạnh và nê trệ để điều hòa tính chất vị thuốc đó. Ngoài ra tùy theo hình thức sử dụng, gừng có nhiều công dụng khác nhau.
Theo y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh Phế, Tỳ, Vị, có tác dụng phát biểu, tán hàn, ôn trung, cầm nôn, tiêu đàm, giải độc. Công dụng chữa cảm mạo phong hàn, nôn và buồn nôn do tỳ vị hư hàn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, chữa ho do ngoại cảm phong hàn hoặc ho lâu ngày do viêm phế quản cấp, mạn tính. Giải độc Bán hạ, Nam tinh và cua cá.
Gừng sống gọi là Sinh khương có tác dụng phát tán phong hàn, chống nôn ói. Gừng khô gọi là Can khương, có tính nóng hơn sinh khương, làm ấm tỳ vị, chữa đau bụng, nôn ói, tiêu chảy kéo dài do hàn. Gừng đốt cháy tồn tính gọi là Hắc khương, Thán khương có vị đắng, tác dụng cầm máu. Vỏ gừng được gọi là Khương bì có tác dụng lợi tiểu, thường được dùng trong các bài thuốc trị phù thũng. 
Liều dùng: 4 -12g hoặc 2 - 5 lát, dùng độc vị lượng tăng tùy tình hình bệnh lý, có thể sắc hoặc giã nước uống.
Chú ý: Gừng khô có tính nóng nên những người có thể tạng nhiệt hoặc đang có các chứng viêm nhiễm không nên dùng.



Nguồn tin: Bệnh viện y học cổ truyền Phú Yên

Tác giả: Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên