ĐAU TRONG BỆNH UNG THƯ

31/01/2022

ĐAU TRONG BỆNH UNG THƯ

Đau là một triệu chứng phổ biến, thường gặp ở các bệnh nhân ung thư, tuy nhiên không phải bệnh nhân ung thư nào cũng bị đau, triệu chứng và mức độ đau của mỗi người là khác nhau. Sự hiện diện của cơn đau phụ thuộc chủ yếu vào vị trí ung thư và giai đoạn bệnh, khoảng một nửa số người được chẩn đoán mắc ung thư ác tính đang trải qua các cơn đau, và 2/3 số người bị ung thư giai đoạn tiến triển đang phải chịu đựng cơn đau có ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ, tâm trạng, quan hệ xã hội và hoạt động cuộc sống thường ngày.

Khái niệm đau:

Đau là cảm giác khó chịu và sự chịu đựng về mặt cảm xúc của người bệnh, do tổn thương mô hiện có hoặc tiềm tàng, hoặc được mô tả giống như có tổn thương mô thực sự. (Theo IASP 1992 – Hiệp hội nghiên cứu đau quốc tế)

Nguyên nhân gây đau trong ung thư:

- Do chính bệnh ung thư: khối u làm tổn thương, xâm lấn, chèn ép tổ chức hay cơ quan của cơ thể.

- Do liên quan đến ung thư: tổn thương ung thư làm co cơ, phù bạch mạch…

- Do điều trị ung thư: di chứng hóa trị, xạ trị, phẫu thuật…

- Do các bệnh kèm theo: tiểu đường, thoái hóa cột sống…

- Do yếu tố tâm lý – xã hội: lo lắng, sợ hãi, trầm cảm, hoảng loạn, mất ngủ… khiến đau khó kiểm soát.

Triệu chứng

Các triệu chứng đau trong bệnh ung thư của mỗi người là khác nhau. Mức độ cơn đau phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn bệnh và ngưỡng đau của người bệnh (sự nhạy đau). Đau có thể từ nhẹ đến đau dữ dội; đau về đêm cho đến liên tục cả ngày.

Các phương pháp điều trị giảm đau theo Y học hiện đại

·         Điều trị nguồn gốc cơn đau: Khối u chèn ép lên dây thần kinh gây đau. Loại bỏ khối u bằng phẫu thuật hoặc thu nhỏ bằng xạ trị, hóa trị hoặc các loại thuốc khác có thể làm giảm hoặc chấm dứt cơn đau.

·         Thay đổi cảm giác đau: Một số loại thuốc thay đổi cách cơ thể bạn cảm thấy đau, làm bạn dễ chịu hơn.

·         Can thiệp vào các tín hiệu đau gửi đến não: Nếu thuốc không có tác dụng, còn có các biện pháp can thiệp hiệu quả giúp ức chế các dây thần kinh dẫn truyền đau như: hủy dây thần kinh, hủy đám rối thần kinh, gây tê ngoài màng cứng.

Tuy nhiên, những phương pháp này thường gây ra những tác dụng phụ ngoài ý muốn cho người bệnh như làm suy yếu sức khỏe và cũng như tâm lí của bệnh nhân. Ngày nay bệnh nhân càng có xu hướng tìm đến những phương pháp giảm đau hiệu quả và ít tác dụng phụ, và Y học cổ truyền đang là một trong những phương pháp được bệnh nhân ung thư cân nhắc lựa chọn.

Các phương pháp điều trị giảm đau theo Y học cổ truyền:

Theo Y học cổ truyền cơ chế bệnh ung thư phát sinh là do khí trệ, huyết ứ, đàm kết, tà độc, kinh lạc bế tắc, công năng tạng phủ mất điều hòa và khí huyết hư tổn.

Trong đa số các trường hợp đau trong bệnh nhân ung thư, nguyên nhân phần lớn do khí trệ huyết ứ và co cứng cân cơ. Do vậy, trên lâm sàng, khi sử dụng Y học cổ truyền kết hợp điều trị giảm đau cho bệnh nhân thì thường điều trị theo pháp: hoạt huyết khứ ứ, hành khí tiêu trệ, thư cân giải cơ, tiêu đàm, tiêu u khối kết hợp điều trị toàn thân như bổ huyết, bổ khí, bổ âm, bổ dương tùy theo mỗi chứng bệnh.

Hiện nay tại Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên đã và đang triển khai phương pháp hỗ trợ bằng Y học cổ truyền, kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại với đa dạng các hình thức điều trị khác nhau nhằm làm giảm triệu chứng đau, tăng cường thể trạng và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tại đây, các bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp dùng thuốc Y học cổ truyền và các phương pháp không dùng thuốc như: Châm cứu, cấy chỉ, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, ngâm thuốc, tập vận động, dưỡng sinh, khí công…

Với năng lực quản lý bệnh tật, đau ung thư có thể được loại trừ hay kiểm soát tốt 80% đến 90% trong các trường hợp, nhưng gần 50% bệnh nhân ung thư không nhận đầy đủ sự chăm sóc tối ưu. Thực tế, có không ít trường hợp khi biết mình bị ung thư đã không đến ngay các cơ sở y tế để điều trị, chữa bệnh tuân theo phác đồ của Bác sĩ mà nghe theo các lời mách bảo truyền miệng dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Và đây là hành động vô tình làm người bệnh tự đánh mất đi thời gian vàng trong điều trị.

Lời khuyên chúng tôi dành cho bạn: Phải luôn tuân thủ theo liệu trình điều trị của Bác sĩ. Chỉ sử dụng phương pháp thay thế điều trị khi đã kết thúc liệu trình. Vì Y học của chúng ta là Y học chứng cứ, chớ nên bỏ dở liệu trình mà Bác sĩ đang điều trị cho bạn để nghe theo những lời đồn thổi, tự ý dùng các biện pháp khác điều trị ung thư mà chưa qua kiểm chứng.



Tác giả: BS. Lâm Thị Như Ngọc