BỆNH GOUT (GÚT) – NỖI LO CỦA MỌI NHÀ

10/01/2022

BỆNH GOUT (GÚT) – NỖI LO CỦA MỌI NHÀ

Cùng với sự phát triển của xã hội và lối sống, sinh hoạt hiện đại, bệnh gout, vốn được mệnh danh là căn “bệnh nhà giàu” nhưng hiện nay tỉ lệ người mắc bệnh này ngày càng có xu hướng tăng lên, đặc biệt là ở người trẻ. Vì thế, việc hiểu biết về bệnh để sớm có biện pháp phòng ngừa, điều trị hiệu quả đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Bệnh Gout là gì?

            Bệnh gout hay còn gọi thống phong, là bệnh viêm khớp xảy ra do rối loạn chuyển hóa nhân purin khiến nồng độ axit uric trong máu tăng cao, làm lắng đọng các tinh thể urat trong các mô gây viêm, đau.

Bệnh gout có nguy hiểm không?

- Tuy có thể làm cho người bệnh căng thẳng, đau đớn và mất ngủ nhưng gout là bệnh lành tính và có thể khống chế bằng thuốc cũng như phòng ngừa đợt cấp bằng việc thay đổi chế độ ăn.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh gút?

- Chế độ ăn: Ăn ít rau xanh nhưng ăn nhiều thức ăn có hàm lượng purine cao như thịt đỏ, hải sản, sử dụng đồ uống có cồn: bia, rượu nhiều.

- Tuổi tác và giới tính: bệnh xuất hiện nhiều hơn ở nam giới và người lớn tuổi.

- Béo phì.

- Sử dụng một số loại thuốc có thể là nguyên nhân làm tích tụ axit uric trong cơ thể như: aspirin, thuốc lợi tiểu, thuốc hóa trị liệu, thuốc làm suy giảm hệ miễn dịch…

- Tiền sử gia đình: bố mẹ mắc bệnh gút làm tăng nguy cơ mắc của con.

- Mắc các bệnh như đái tháo đường, suy giảm chức năng thận, bệnh tim, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp.

Bệnh gout biểu hiện như thế nào?

Người bệnh thường xuyên bị đau đột ngột giữa đêm và sưng đỏ các khớp khi đợt viêm cấp bùng phát, đặc biệt là các khớp ở ngón chân cái, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới các khớp khác ở chân (như đầu gối, mắt cá chân, bàn chân) và ít gặp hơn ở khớp tay (bàn tay, cổ tay, khuỷu tay), cả cột sống cũng có thể bị ảnh hưởng. Đau kéo dài trong 1-2 ngày, nặng có thể một vài tuần. Ở trường hợp nặng sẽ xuất hiện các hạt tophi nhỏ màu trắng dưới da.

Nếu người bị bệnh gout không dùng thuốc kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến các biến chứng trầm trọng:

- Biến dạng khớp, mất chức năng bàn tay, bàn chân, nguy cơ tàn phế.

- Nhiễm trùng hạt tophi

- Sỏi thận, suy thận mạn.

- Tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…

- Biến chứng liên quan đến điều trị: do dùng thuốc kháng viêm giảm đau (viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan …), do dùng colchicin (tiêu chảy cấp), do dùng corticoid (loãng xương, tăng huyết áp, hội chứng Cushing…)

Điều trị bệnh gout như thế nào?

- Điều trị nội khoa bằng thuốc

- Cắt bỏ hạt tophi chỉ khi hạt tophi lớn ảnh hưởng đến chức năng vận động, bị rò mạn tính hoặc vì lý do thẩm mỹ.

- Thay đổi lối sống và điều trị một số bệnh kèm theo.

Bên cạnh đó, người bệnh có thể kết hợp điều trị bệnh gout bằng Y học cổ truyền.

Y học cổ truyền hướng tới mục đích chữa bệnh tận gốc, loại bỏ căn nguyên gây bệnh và phòng ngừa nguy cơ tái phát. Bệnh viện YHCT Phú Yên đã điều trị nhiều trường hợp bệnh gout bằng dùng thuốc YHCT theo từng thể bệnh kết hợp với các phương pháp không dùng thuốc khác như cấy chỉ, châm cứu, ngâm thuốc, bó thuốc... đạt hiệu quả vượt trội.

Lời khuyên chúng tôi dành cho bạn: Khi có các triệu chứng bệnh Gout hãy đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.



Tác giả: BS. Huỳnh Thị Bích Thủy