ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TRÊN BỆNH NHÂN TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO SAU GIAI ĐOẠN CẤP BẰNG PHƯƠNG PHÁP ĐIỆN XUNG KẾT HỢP TẬP VẬN ĐỘNG TẠI BỆNH VIỆN Y HỌC CỔ TRUYỀN PHÚ YÊN

01/12/2016

Chủ đề tài: BS. Huỳnh Thảo Uyên 
Cộng sự: BS. Hàng Đức Vinh
               CN. Lê Phạm Bá Khánh
I. ĐẶT VẤN ĐỀ:
      Theo Tổ chức Y tế Thế giới Tai biến mạch máu não (TBMMN) là các thiếu sót chức năng thần kinh xảy ra đột ngột với các triệu chứng khu trú hơn là lan tỏa, các triệu chứng tồn tại quá 24 giờ hoặc tử vong trong 24 giờ, loại trừ nguyên nhân chấn thương sọ não.
      

       TBMMN là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba sau ung thư và bệnh tim mạch ở Hoa kỳ và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế.
      Ở Việt Nam tỷ lệ mắc bệnh đang gia tăng ở mức đáng lo ngại ở cả hai giới và các lứa tuổi.
      Những di chứng tàn tật của TBMMN có thể là: Giảm khả năng vận động, rối loạn nhận thức, rối loạn về ngôn ngữ, rối loạn cảm giác….Trong đó, di chứng vận động là phổ biến nhất.
      Để phục hồi di chứng vận động, đã được điều trị bằng bằng nhiều phương pháp YHHĐ và YHCT. Tại bệnh viện YHCT Phú Yên hai phương pháp châm cứu và tập vận động được lựa chọn trong hầu hết các trường hợp.
      Năm 2014, tại khoa Vật lý trị liệu bệnh viện YHCT Phú Yên sử dụng máy kích thích điện xung PHYSIOMED - JUBILEE của CHLB Đức kết hợp tập vận động áp dụng điều trị trên bệnh nhân liệt vận động do TBMMN sau giai đoạn cấp có cải thiện đáng kể về các triệu chứng lâm sàng nhưng chưa được đánh giá cụ thể. Vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu để đánh giá hiệu quả phục hồi vận động trên bệnh nhân TBMMN sau giai đoạn cấp với mục tiêu sau.
MỤC TIÊU ĐỀ TÀI:   
      Xác định hiệu quả của phương pháp Điện xung kết hợp Tập vận động trong phục hồi chức năng vận động trên bệnh nhân TBMMN sau giai đoạn cấp.
Đánh giá tác dụng không mong muốn của máy kích thích điện PHYSIOMED – JUBILEE của CHLB Đức.
II. TỔNG QUAN:
1. Các phương pháp phục hồi vận động sau TBMMN 
1.1  Phương pháp dùng thuốc
Khi bị đột quỵ và sau đó, ngoài những thuốc điều trị nguyên nhân (Tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, đái tháo đường…), các thuốc hỗ trợ được dùng để cải thiện việc cung cấp máu cho vùng thiếu máu, bảo vệ tế bào thần kinh và dự phòng các cơn tái phát.
Những loại thuốc được nghiên cứu gồm:
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu.
- Thuốc chống đông.
- Thuốc bảo vệ và tăng cường dinh dưỡng não.
- Thuốc hạ cholesterol.
- Thuốc YHCT.
1.2  Phương pháp không dùng thuốc
Một số phương pháp không dùng thuốc giúp phục hồi vận động sau đột quỵ
- Tập vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu.
- Phương pháp oxy cao áp.
- Phương pháp ghép tế bào não.
- Máy kích thích cơ.
- Laser châm.
- Xoa bóp bấm huyệt, tập dưỡng sinh.
- Châm cứu: Hào châm, điện châm, thủy châm…
2. Phục hồi chức năng bệnh nhân TBMMN được phân loại thành hai giai đoạn:
Sự hồi phục cần phải có thời gian, tình trạng hồi phục sẽ đạt tối đa trong vài tháng đầu, duy trì từ tháng 3 - 6 và giảm dần nhưng vẫn còn một ít trong 1 - 2 năm tiếp theo.
2.1 Giai đoạn cấp: Từ ngày 1 đến tuần thứ 3 sau TBMMN.
2.2 Giai đoạn bán cấp và mạn: Từ tuần thứ 3 đến hết tháng thứ 6 sau TBMMN.
Có sự phân loại này là vì mỗi giai đoạn có một tiêu chí riêng và ưu tiên điều trị phục hồi chức năng khác nhau.
Ở giai đoạn cấp: Ưu tiên điều trị là giảm tỉ lệ tử vong do viêm phổi do nhiễm trùng, sặc thức ăn. Chỉ định ngồi sớm, vận động sớm và đi lại sớm sẽ giúp giảm tỉ lệ tử vong trong giai đoạn cấp nhờ làm giảm các biến chứng đã nêu trên.
Ở giai đoạn bán cấp và mạn tính: Ưu tiên điều trị là phương pháp vật lý trị liệu giúp tăng quá trình tái tổ chức não ở mức độ cao nhất. Phương pháp tập luyện theo tác vụ là phương pháp vật lý trị liệu được lựa chọn trong giai đoạn mạn.
Phương pháp tập theo tác vụ: Đây là phương pháp vật lý trị liệu giúp tăng tái tổ chức não sau đột quỵ ở mức độ cao nhất. Hai tác giả người Úc (Carr J và Shepherd 1980) đã khởi xướng phương pháp tập này, dựa trên nền tảng lý thuyết: vận động chức năng liên tục và lập lại nhiều lần sẽ giúp sự tái tổ chức não ở mức độ cao nhất.
Tác vụ là những bài tập chức năng có mục đích, có 6 tác vụ chính là các hoạt đông giúp người ta có thể sinh hoạt dễ dàng trong đời thường.
- Đứng lên, ngồi xuống.
- Thăng bằng ngồi.
- Thăng bằng đứng.
- Đi bộ.
- Với lấy đồ.
- Thao tác bằng tay.
Các thành phần điều trị khác trong giai đoạn cấp và mạn gồm: Hoạt động trị liệu, vật lý trị liệu, âm ngữ trị liệu, chăm sóc điều dưỡng.
3. Mục đích tập vận động tay chân liệt: 
- Ngừa cứng khớp và duy trì tầm vận động khớp.
- Ức chế cơ co cứng.
- Gia tăng sức mạnh cơ yếu.
- Phục hồi chức năng sinh hoạt độc lập trên giường.
- Gia tăng thằng bằng ngồi, thăng bằng đứng.
- Phục hồi chức năng di chuyển.
- Phục hồi chức năng  tay - bàn tay.
4. Máy kích thích điện xung PHYSIOMED – JUBILEE của CHLB Đức được ứng dụng trong điều trị bệnh nhân TBMMN sau giai đoạn cấp tại khoa vật lý trị liệu
Đây là máy điện xung điều trị điện cực tấm có kết hợp siêu âm điều trị và chẩn đoán điện.
* Ưu điểm của thiết bị này là:
    -   Sử dụng đơn giản.
    -   Tích hợp nhiều dòng xung điều trị.
    -   Dùng điện cực tấm lớn (8 × 6) cm.
    -   Tích hợp chương trình điều trị chuẩn.
    -   Lưu các chương trình đã điều trị.
    -   Chế độ tự thiết lập chương trình cho từng bệnh nhân theo yêu cầu của thầy thuốc.
* Hiệu quả của các dòng kích thích:
- Kích thích cơ: Đối với trường hợp căng cơ, mất trương lực cơ hoặc liệt cơ các dòng kích thích điện với cường độ nhịp điệu thích hợp sẽ có tác dụng điều trị rất hiệu quả.
- Ảnh hưởng đối với các cơ quan bên trong: Với những loại điện cực được thiết kế theo từng mục đích điều trị khác nhau ta có thể tác dụng kích thích vào các cơ quan bên trong cơ thể. Ngoài ra các dòng kích thích còn có tác dụng điều trị mạnh đối với hệ thần kinh trung ương như não bộ hay cột sống.
- Xung huyết: Tăng cường trao đổi chất, làm tăng tính hấp thụ, chống viêm và diệt khuẩn trong vùng tổ chức được điều trị.
- Giảm đau: Hiệu quả giảm đau của các dòng kích thích là do làm thay đổi môi trường các ion bên trong tổ chức dẫn tới quá trình xung huyết, việc giảm đau hiệu quả đặc biệt đối với dòng xung.
- Điện phân: Dòng Galvanic và các dòng một chiều với xung daifcos thể dùng làm điện phân. Bởi sự phân cực giữa Anode và cathode đã tạo ra dòng dịch chuyển ion. Với sự dịch chuyển của các ion này làm cho thuốc ngấm sâu vào bên trong tổ chức.
 
 


4.1 Dòng trung tần: Có ảnh hường lớn đến hệ thần kinh mạch máu và nhờ đó làm tăng khả năng tuần hoàn và khả năng dinh dưỡng. Từ đó dòng tần số trung bình được dùng để điều trị đau do tăng trương lực cơ, chứng co giật cơ sinh bởi thần kinh trung ương trong bệnh liệt nửa người, giảm đau cho cơ… 
4.2 Dòng trung tần có nhiều dòng, trong đó dòng kích thích cơ gồm:
- Dòng trung tần tập luyện cơ “KOTS”: 
Thông số kỹ thuật: Dạng xung: hình sin, tam giác, vuông; thời gian co cơ: 1 - 60s, tạo co cơ bằng công tắc ngừng; thời gian ngừng trong khi co cơ: 1 – 60s; thời gian xung: 2, 4, 6, 8, 10ms, tự động; tần số biến điệu: 1 - 125Hz; tần số cơ bản (Fbas): 2.0 – 9.5kHz.
- Dòng xung cao “HVS”: 
Thông số kỹ thuật: Dạng xung: tam giác kép; thời gian xung: 0.1ms; tần số kích thích: 2 – 200Hz (cổ điển là 197Hz); Thời gian co cơ: 1 – 60s, tạo co cơ bằng công tắc ngừng.
- Dòng xung cảm ứng “FaS”: 
Thông số kỹ thuật: Dạng xung: tam giác, vuông; thời gian xung: 0.1 – 10ms (cổ điển là 1ms); thời gian co cơ: 1 – 60s, tạo co cơ bằng công tắc ngừng.
- Dòng xung với thông số điều chỉnh “T/R”: 
Thông số kỹ thuật: Dạng xung: vuông, hình thang, tam giác, lưỡi cày; thời gian xung: 0.1 – 1000ms; thời gian ngừng co cơ: 1ms – 7s, ngừng co cơ bằng công tắc ngừng; thời gian xung không được vượt quá thời gian ngừng co cơ.
* Dòng trung tần có tần số biến điệu thấp 0,5 – 25 Hz:
- Trong khoảng tần số biến điệu này được dùng để: Tăng cường kích thích hệ thần kinh giao cảm, kích thích hệ cơ vận động, tăng tuần hoàn, kích thích hệ thần kinh sinh trưởng.
- Trong khoảng tần số biến điệu này thường được ứng dụng để điều trị cơ liệt. Nhưng kích thích thần kinh cơ bị đứt là không được.
* Ứng dụng: Các dòng  kích thích cơ được ứng dụng để tập luyện cơ lành, tập luyện cơ liệt, luyện tập cơ trong thể thao, chống teo cơ...
3.2 Trong đề tài nghiên cứu sử dụng:
- Dòng trung tần tập luyện cơ “KOTS”.
- Tần số 2 Hz.
- Kích thích nhóm cơ yếu ở tay, ở chân; thời gian kích thích cho mỗi nhóm cơ là 5 phút. 
5. Loại bệnh ảnh hưởng đến thời gian hồi phục:
Tổn thương chức năng khi TBMMN càng nhiều, sự phục hồi càng ít. Phục hồi kém khi đại tiểu tiện không tự chủ, mất ý thức, hôn mê sâu, liệt nặng, bán manh….
6. Điều trị các khiếm khuyết chức năng vận động:
Việc điều trị chủ yếu sau TBMMN là hồi phục sớm chức năng vận động cho bệnh nhân, hạn chế di chứng TBMMN thường gặp nhất là co rút, liệt cứng. Cách tốt nhất là tập vận động đồng thời kiểm soát các bệnh lý đi kèm để tránh tổn thương cơ quan đích, phòng ngừa bệnh tái phát.
7. Mức độ hồi phục: Kết quả nghiên cứu ở Anh như sau.
-  Nếu người bệnh không tự đi được ngay sau TBMMN thì cơ may đi được một mình là 65%.
-  Nếu người bệnh không tự mặc quần áo được ngay sau TBMMN thì số người may mắn có thể tự mặc được là 2/3.
-  Nếu người bệnh không tự ăn được ngay sau TBMMN thì số người có thể tự làm được điều đó là 54%.
-  Nếu người bệnh không ra khỏi giường để tụ ngồi vào ghế bành thì khả năng này về sau là 68%.
-  Nếu người bệnh có tay liệt sau 2 tuần không cử động được, thì số người may mắn dùng lại cánh tay đó là 14%.
8. Thứ tự hồi phục: Công trình Frenchay, Anh Quốc với số liệu %, đã mô tả chi tiết các động tác được phục hồi theo thời gian, số người.
 
Thời gian sau TBMMN 1 tuần 3 tuần 6 tháng   
Số người được đánh giá 561 572 494   
1 Đi ngoài chủ động 69 87 93   
2 Đi tiểu chủ động 56 76 89   
3 Sửa soạn đầu tóc 44 73 86   
4 Vệ sinh cá nhân 32 61 80   
5 Tự ăn 32 62 77   
6 Đi từ giường ra ghế bành 30 58 81   
7 Tự đi bộ 27 60 85   
8 Tự mặc quần áo 21 49 69   
9 Tự lên gác 20 47 65   
10 Tự tắm 14 35 51  

III. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:
A. Đối tượng nghiên cứu: 
 1. Cỡ mẫu: 30 bệnh nhân. 
 2. Tiêu chuẩn chọn bệnh: 
 - Bệnh nhân liệt vận động do TBMMN sau giai đoạn cấp, được điều trị nội trú tại khoa Vật lý trị liệu, bệnh viện YHCT Phú Yên.
 - Không phân biệt tuổi, giới, nghề nghiệp.
 3. Tiêu chuẩn loại trừ:
 - Bệnh nhân liệt vận động do chấn thương.
 - Bệnh nhân liệt vận động nhưng quá suy kiệt hoặc bị loét mục, viêm nhiễm nhiều.
 - Bệnh Parkinson.
 - Bệnh nhân mang máy tạo nhịp…
B. Phương pháp tiến hành:
1. Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng không lô chứng.
2. Lập hồ sơ nghiên cứu:
 - Khám lâm sàng, làm bệnh án, chẩn đoán liệt vận động.
 - Xét nghiệm: Công thức máu, Glucose, ure, creatinin, bilan mỡ; TPT nước tiểu, ECG, Siêu âm tổng quát, X-Quang tim phổi thẳng.
 - Theo dõi ghi chép đầy đủ các tiêu chuẩn cần đánh giá vào hồ sơ bệnh án, phiếu khảo sát và bảng tính điểm theo chỉ số Barthel khi vào viện và khi ra viện.
3. Điều trị điện xung:
 - Bằng máy kích thích điện xung PHYSIOMED – JUBILEE của CHLB Đức.
- Dùng dòng điện xung “KOTS”.
- Tần số 2 Hz.
- Kích thích nhóm cơ yếu ở tay, ở chân; thời gian kích thích cho mỗi nhóm cơ là 5 phút/ lần điều trị/ ngày.
  - Liệu trình điều trị 4 tuần, mỗi tuần điều trị liên tục 5 ngày, nghỉ ngày thứ 7, chủ nhật hoặc ngày lễ.
4. Tập vận động:
  - Phương tiện:  Ghế tập tay chân, cây chống 4 chân, bài tập theo chương trình tùy thuộc vào mức độ liệt vận động trên mỗi bệnh nhân.
  - Kỹ thuật viên tập vận động tay chân liệt mỗi ngày 1 lần, mỗi lần tập 30 phút.
  - Liệu trình điều trị 4 tuần, mỗi tuần điều trị liên tục 5 ngày, nghỉ ngày thứ 7, chủ nhật hoặc ngày lễ.
5. Định nghĩa và phân tích các biến số:
5.1 Nguyên nhân đột quỵ: Dựa vào kết quả CT Scanner sọ hoặc ghi trong giấy xuất viện
- Nhồi máu não.
- Xuất huyết não.
- Không rõ: Khi không có kết quả CT Scanner sọ não hoặc không có giấy xuất viện.
5.2 Hôn mê (lúc bị TBMMN): Hỏi bệnh nhân hoặc thân nhân có hôn mê khi bệnh nhân không đáp ứng với mọi kích thích (lay gọi, kích thích đau).
- Có: Khi bệnh nhân có hôn mê lúc đột quỵ.
- Không: Khi bệnh nhân không bị hôn mê lúc đột quỵ.
5.3 Thể trọng hiện tại của bệnh nhân: Căn cứ vào chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể), tính theo công thức
BMI = Cân nặng (kg) / [Chiều cao]­­­­­­2 (m)
- Nhẹ cân:       BMI < 18,5
- Bình thường: BMI 18,5 - 22,9
- Thừa cân:      BMI ≥ 23
5.4 Các bệnh lý liên quan kèm theo: Dựa vào kết quả lâm sàng, cận lâm sàng hoặc khai thác bệnh sử.
- Tăng huyết áp: Khi HATT ≥ 140 mmHg và / hoặc HATTr ≥ 90 mmHg, hoặc bệnh nhân đang dùng thuốc hạ áp.
- Đái tháo đường: Khi đo đường huyết lúc đói ≥ 126 mg/dl, hoặc bệnh nhân đang dùng thuốc điều trị đái tháo đường.
- Có: Khi bệnh nhân có kèm theo 1 hoặc 2 bệnh lý trên.
- Không: Khi bệnh nhân không có kèm theo các bệnh lý trên.
6. Đánh giá kết quả: Việc đánh giá được tiến hành 
 - Trước điều trị.
 - Sau điều trị.
 - Cách tính điểm theo chỉ số Barthel.
 
Chia độ I II III IV V   
Điểm Barthel 85 - 100 65 -80 45 - 60 25 - 40 ≤ 20   
Xếp loại Tốt Khá Trung bình Yếu Kém  
7. Xử lý số liệu theo phương pháp thống kê (SPSS.16).
D. Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 4/2015 đến tháng 11/2015.
IV. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU: Từ tháng 4/2015 đến tháng 11/2015 điều trị được 22 bệnh nhân. 
Bảng 1: Phân bố theo tuổi, giới
 
         Giới
Tuổi Nam Nữ Tổng cộng   
n % n % n %   
40 - 60 1 4.5 3 13.7 4 18.2   
> 60 5 22.7 13 59.1 18 81.8   
Tổng cộng 6 27.2 16 72.8 22 100  
*Nhận xét: Tỉ lệ mắc bệnh ở lứa tuổi > 60 chiếm 81.8%.

Bảng 2: Phân bố nghề nghiệp
 
Nghề nghiệp n %   
Nông dân 18 81.8   
CBH-CNVC 2 9.1   
Buôn bán 2 9.1   
Tổng cộng 22 100  
*Nhận xét: Nhóm nghề nông, chiếm tỉ lệ 65%.

Bảng 3: Phân bố theo nguyên nhân TBMMN
 
Nguyên nhân n %   
Nhồi máu não 12 54.6   
Xuất huyết não 5 22.7   
Không rõ 5 22.7   
Tổng cộng 22 100  
*Nhận xét: Nguyên nhân do nhồi máu não chiếm tỉ lệ 54.6%.

Bảng 4: Phân bố bệnh nhân theo tình trang hôn mê lúc TBMMN
 
Hôn mê n %   
Có hôn mê 4 18.2   
Không hôn mê 18 81.8   
Tổng cộng 22 100  
*Nhận xét:Không hôn mê lúc TBMMN chiếm tỉ lệ 81.8%.

Bảng 5: Phân bố bệnh nhân theo thể trọng
 
Thể trọng n %   
Nhẹ cân 1 4.5   
Bình thường 14 63.6   
Thừa cân 7 31.9   
Tổng cộng 22 100  
*Nhận xét: Bệnh nhân có thể trọng bình thường chiếm tỉ lệ 63.6%.


Bảng 6: Phân bố bệnh nhân theo bệnh lý liên quan kèm theo
 
Bệnh lý liên quan kèm theo n %   
 
19 90.9   
Không có 2 9.1   
Tổng cộng 22 100  
*Nhận xét: Số bệnh nhân có bệnh lý liên quan kèm theo chiếm tỉ lệ 95.5%.

Bảng 7: Chỉ số huyết áp trước - sau điều trị
 
Chỉ số huyết áp Trung bình trước điều trị Trung bình sau điều trị p   
Huyết áp tâm thu 128.64 ± 2.89 124.09 ± 2.51 > 0.05   
Huyếtáp tâm trương 84.54 ± 2.05 79.09 ± 1.45 < 0.05  
*Nhận xét: Chỉ số huyết áp tâm thu trước và sau điều trị có sự thay đổi, nhưng không có ý nghĩa thống kê với p > 0.05. Chỉ số huyết áp tâm trương trước và sau điều trị có giảm, có ý nghĩa thống kê với p < 0.05.

Bảng 8: Xếp loại theo thang điểm Barthel trước và sau điều trị
 
Xếp loại Tốt Khá Trung bình Yếu Kém   
Điểm Barthel 85 - 100
65 - 80
45 - 60
25 - 40
≤ 20
  
n % n % n % n % n %   
Trước điều trị 0 0 3 13.7 7 31.9 3 13.7 9 40.9   
Sau điều trị 11 50 5 22.7 6 27.2 0 0 0 0  
*Nhận xét: Sau điều trị bệnh nhân xếp loại khá - tốt chiếm tỉ lệ 72.7 %.

Bảng 9: So sánh điểm Barthel trung bình trước và sau điều trị
 
Trước điều trị Sau điều trị p   
Điểm Barthel trung bình 38.04 ± 4.28 80.22 ± 4.16 < 0.05  
*Nhận xét: Điểm Barthel tăng sau điều trị, có ý nghĩa thống kê với p < 0.05.

V. NHẬN XÉT – BÀN LUẬN
Qua nghiên cứu 22 bệnh nhân, chúng tôi nhận thấy như sau:
- Tỉ lệ mắc bệnh gặp ở lứa tuổi trên 60, xảy ra nhiều ở người có tuổi (chiếm 81.8%), trong đó nữ đa số (chiếm 72.8%), dưới 40 tuổi không có bệnh nhân đưa vào nghiên cứu, vì lệ thuộc vào số bệnh nhân nhập viện tại khoa.
- Nhóm nghề nông chiếm tỉ lệ 81.8%.
- Nguyên nhân do nhồi máu não chiếm tỉ lệ 54.6% và không hôn mê lúc TBMMN chiếm tỉ lệ 81.8%. Như vậy, bệnh nhân bị tai biến mạch máu não do nguyên nhân nhồi máu não là chủ yếu trong nghiên cứu. 
- Số bệnh nhân bị TBMMN có bệnh lý liên quan đi kèm, chiếm tỉ lệ 90.9%.
- Bệnh nhân có thể trọng bình thường chiếm tỉ lệ 63.6%.
- Chỉ số huyết áp tâm thu trước và sau điều trị có sự thay đổi, nhưng không có ý nghĩa thống kê với p > 0.05. Chỉ số huyết áp tâm trương trước và sau điều trị có giảm, có ý nghĩa thống kê với p < 0.05.


- Sau điều trị, đa số bệnh nhân cải thiện chức năng vận động (chỉ số Barthel tăng), tỉ lệ khá tốt chiếm 72.7%.
- Điểm Barthel tăng sau điều trị, có ý nghĩa thống kê với p < 0.05.
- Bệnh nhân vào viện xếp loại trung bình tính theo chỉ số Barthel đều cải thiện chức năng vận động khá tốt sau điều trị.
- Phương pháp điện xung kết hợp với tập vận động dễ thực hiện, không gây khó chịu cho người bệnh, không có bệnh nhân nào phải dừng thực hiện phương pháp này trong thời gian điều trị.

VI. KẾT LUẬN: 
- Qua nghiên cứu 22 bệnh nhân, trong đó nữ chiếm 72.8%, bệnh nhân phân bố theo tuổi lệ thuộc vào số bệnh nhân nhập viện tại khoa.
- Theo kết quả nghiên cứu, phương pháp điện xung kết hợp với tập vận động có kết quả phục hồi chức năng vận động do TBMMN sau giai đoạn cấp trên 22 bệnh nhân nghiên cứu.
- Số lượng nghiên cứu chưa đủ mẫu, sẽ tiếp tục nghiên cứu với mẫu lớn hơn để có thể đánh giá hiệu quả điều trị phương pháp trên bệnh nhân TBMMN sau giai đoạn cấp.      

VII. TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Thị Bay. Bệnh học điều trị và nội khoa kết hợp Đông – Tây y. NXB Y học Hà Nội 2007.
2. Hoàng Thanh Hiền. Khảo sát những yếu tố có ảnh hưởng trên hiệu quả phục hồi vận động sau đột quỵ bằng phương pháp châm cứu cải tiến phối hợp vật lý trị liệu tại TP. Hồ Chí Minh. Luận án tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa  cấp II YHCT  ĐHYD TP. Hồ Chí Minh 2010.
3. Hãng Physiomed – CHLB Đức. Tài liệu tham khảo cách điều trị máy điện xung – điện phân model Physiomed – Expert.
4. Hoàng Khánh. Giáo trình sau đại học – Thần kinh học. NXB Đại học Y Dược Huế, Huế 2010.
5. Nguyễn Đăng Khoa. Phục hồi chức năng tai biến mạch máu não và chấn thương sọ não. Khoa VLTL và PHCN - Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh. Lưu hành nội bộ, TP. Hồ Chí Minh 2013.
6. Vũ Anh Nhị. Thần kinh học. Bộ môn thần kinh – Đại học Y Dược TP. HCM. Lưu hành nội bộ, TP. Hồ Chí Minh 2005.
7. Vũ Công Lập – Trần Công Duyệt. Các tác nhân vật lý thường dùng trong Vật lý trị liệu. Hội thiết bị y tế Việt Nam – Phân viện Vật lý y sinh học. NXB Y học 2005.









Nguồn tin: Bệnh viện y học cổ truyền Phú Yên

Tác giả: Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên