Tỏi

24/06/2020

Tỏi có tên khoa học: Allium sativum L. thuộc họ Hành (Alliaceae). Ta dùng củ tỏi (Bulbus Allii) là dò của cây tỏi . Loại dò mà ta vẫn dùng làm gia vị hàng ngày.

Thành phần hóa học và dược lý: trong cây tỏi có một ít iot và tinh dầu (khoảng 100kg tỏi thì chứa chừng 60-200g tinh dầu). Thành phần chủ yếu của tỏi là chất kháng sinh alixin có tác dụng diệt vi khuẩn rất mạnh nhất là đối với vi trùng Staphyllococcus, vi trùng tả, thương hàn, phó thương hàn, lỵ, vi khuẩn thối, trực khuẩn sinh bệnh bạch hầu.

Trong đông y có ghi về cây tỏi như sau: Tỏi có vị cay, tính ôn, hơi có độc, vào 2 kinh vị và can. Tỏi có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chữa băng đới, trùng tích, sát trùng, huyết lỵ. Ngoài ra còn dùng để tẩy uế, thông khiếu, tiêu nhọt, hạch ở phổi, tiêu đờm, đẩy chướng, đại tiểu tiện khó khan, tả lỵ….

Cách dùng và liều dùng:

- Chữa lỵ amip, lỵ trực trùng: Lấy tỏi giã thật nát ngâm với nước sôi để nguội,  tỷ lệ 5% hoặc 10%. Ngâm từ 1-2 giờ rồi lọc qua gạc, không cần tiệt trùng, ngày pha 1 lần để thụt rửa. Trong một hai ngày đầu, thụt dung dịch khoảng 5% (tương đương 100ml) sau đó dùng lên dung dịch 10%. Mỗi ngày thụt rửa một lần, để tác dụng nhanh hơn có thể đồng thời uống thêm 6g tỏi chia thành 3 lần uống trong ngày. Dùng liên tục từ 5-7 ngày sẽ thấy kết quả rất rõ rệt.

- Ngoài công dụng để chữa lỵ thì nước tỏi 10% còn được dùng chữa các vết thương có mủ và trị giun kim (thụt phối hợp với lòng đỏ trứng gà), chữa viêm phế quản mãn tính, ho gà và cao huyết áp.

- Chữa cao huyết áp: ngày uống từ 20-50 giọt cồn tỏi, khoảng 1/5 tỏi với cồn 60% (chia thành 2-3 lần uống). Nếu dùng quá liều, huyết áp sẽ tăng.

- Chữa rết cắn: giã nát củ tỏi xát vào nơi rết cắn.

Lưu ý: những chứng âm hư, nội nhiệt do thai sản, đậu trẩn, mũi răng cổ, lưỡi, đau mắt thì không nên dùng.



Nguồn tin: Trích Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS.Đỗ Tất Lợi

Tác giả: BS Trần Thị Thảo