SẮC THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN ĐÚNG CÁCH TẠI NHÀ

03/05/2021

SẮC THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN ĐÚNG CÁCH TẠI NHÀ

Thuốc thang là dạng thuốc cổ truyền gồm có một hoặc nhiều vị thuốc cổ truyền kết hợp với nhau theo lý luận của y học cổ truyền hoặc theo kinh nghiệm dân gian được thầy thuốc đóng gói theo liều sử dụng.

Theo Y học cổ truyền, để kê 1 đơn thuốc thang, người thầy thuốc sẽ dựa theo nguyên tắc quân – thần – tá – sứ. Trong đó:

• Quân là vị thuốc chữa bệnh chính.

• Thần là vị thuốc hỗ trợ nhằm làm tăng tác dụng của vị thuốc chính.

• Tá là vị thuốc điều trị các triệu chứng kèm theo với bệnh chính.

• Sứ là vị thuốc liên kết, phối hợp các dược liệu lại với nhau để đưa thuốc đến mô đích.

Hiệu quả của thuốc thang không những phụ thuộc phần nhiều về việc khám và kê đơn mà vấn đề sắc thuốc đóng vai trò không kém phần quan trọng trong việc tạo ra được hoạt chất như mong muốn. Như danh y Lý thời Trần, người Trung Quốc từng nói: “Uống thuốc thang, dẫu phẩm chất thuốc tốt và bào chế đúng phép nhưng sắc lỗ mãng, vội vàng, dùng lửa không đúng độ thì thuốc cũng không công hiệu”. Nếu sắc thuốc không đúng cách thì dược tính của thuốc sẽ giảm đi đáng kể khiến cho bài thuốc không mang lại kết quả điều trị.

**** LÀM THẾ NÀO ĐỂ SẮC THUỐC ĐÚNG CÁCH?

Thứ nhất: Chọn dụng cụ sắc thuốc

Ấm đất là sản phẩm giữ được nhiệt độ lâu, giữ nguyên hương liệu và hầu như không gây tương tác gì với thuốc. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, kĩ thuật, người bệnh có thể dùng nhiều dụng cụ sắc thuốc khác nhau như siêu bằng sành hay đất, inox, ấm sắc thuốc bằng điện,… Tuy nhiên, để sắc thuốc y học cổ truyền hiệu quả, người bệnh KHÔNG nên dùng dụng cụ sắc thuốc bằng nhôm vì trong lúc sắc có thể sinh ra một số thành phần tương tác với thuốc.

Thứ 2: Chọn nước sắc thuốc

Chúng ta dùng nước sạch (nước mưa, nước giếng hoặc nước máy đã được khử khuẩn) để sắc thuốc. Người bệnh không cần dùng nước tinh khiết hay nước cất để sắc thuốc vì điều đó là không cần thiết.

Thứ 3: Thời gian sắc thuốc và điều chỉnh lửa cho phù hợp

 Trước khi sắc thuốc, nên ngâm thuốc vào nước ấm hoặc nước lã sạch 15-30 phút, để tạo điều kiện cho các hoạt chất tách ra được dễ dàng và rút ngắn được thời gian sắc thuốc.

-  60-90 phút/lần sắc thuốc đối với thuốc bổ và nên sắc 3 lần, lửa nhỏ.

-  10-20 phút/lần sắc thuốc đối với thuốc trị cảm mạo, phong tà…, nên sắc 2 lần, dùng lửa lớn.

-  Cần lưu ý có một số vị thuốc có cách sắc khác nhau: các thuốc là khoáng vật cần sắc trước, các thuốc có nhiều tinh dầu như gừng, bạc hà, tía tô... nên cho sau khi thuốc đã sắc gần xong. Một số thuốc quý như nhân sâm, linh chi,... cần sắc riêng rồi phối hợp vào nước thuốc đã sắc. Các loại cao thuốc, a giao, mật ong... sau khi chắt nước thuốc hòa với các vị trên uống khi còn nóng.

Mỗi bài thuốc, vị thuốc có cách sắc khác nhau. Do vậy cần thực hiện cách sắc thuốc theo đúng chỉ dẫn của các thầy thuốc uy tín.

Thứ 4: Số lần sắc thuốc

Lượng nước sử dụng để sắc thuốc tùy theo lượng thuốc nhiều hay ít mà đổ nước cho vừa phải. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm, thông thường, với một thang thuốc y học cổ truyền, người bệnh phải sắc thuốc tối thiểu 2 lần:

- Nước thứ 1: Đổ 3 chén nước, sắc còn một chén.

- Nước thứ 2: Đổ 3 chén nước, sắc còn 8 phân. 

Nước sắc được trong 2 lần hòa vào nhau, chia ra uống 2 lần trong ngày.

Lưu ý: Luôn đậy nắp nồi thuốc, tránh thuốc bị trào. Các loại thuốc thường dùng sau bữa ăn, chia uống 2 lần trong ngày. Không nên uống lúc no quá hay đói quá vì sẽ cản trở hấp thu hoặc dễ gây kích ứng, buồn nôn....


Tác giả: Ds. Huỳnh Hê Ly