NGUY HIỂM CỦA GIÃN TĨNH MẠCH CHI DƯỚI?

04/06/2021

NGUY HIỂM CỦA GIÃN TĨNH MẠCH CHI DƯỚI?

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới ngày nay được xem như là bệnh lý thời đại bên cạnh bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường, khi tần suất mắc bệnh tăng nhanh trong dân số, đặc biệt tỷ lệ mắc phải ở nữ giới cao gấp 3 lần nam giới.

Vậy suy giãn tĩnh mạch chi dưới là gì?

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại, gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh.

Dấu hiệu nào nhận biết bệnh?

- Trong giai đoạn đầu, người bệnh thường cảm giác tức nặng hai chân, đau bắp chân, chuột rút hoặc có cảm giác tê rần ở hai chi dưới. Những triệu chứng này thường không rõ ràng hoặc mất đi khi nghỉ ngơi, nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua.

- Trong giai đoạn sau của bệnh: thường xuất hiện phù ở mắt cá hay bàn chân, vùng cẳng chân thay đổi màu sắc da, cảm giác nặng, đau nhức chân tăng lên. Hiện tượng này không mất đi khi nghỉ ngơi, nặng hơn có thể thấy các búi tĩnh mạch màu xanh trương phồng nổi rõ trên da, các mảng bầm máu trên da.

- Khi biến chứng nặng, máu ứ trong lòng tĩnh mạch hình thành các cục máu đông, di chuyển về tim gây thuyên tắc động mạch phổi, có thể gây tử vong.

Nguồn ảnh: Internet

Những ai có nguy cơ mắc bệnh?

- Người đứng lâu, ngồi nhiều, ít vận động, làm việc trong môi trường ẩm thấp.

- Phụ nữ mang thai, sinh đẻ nhiều lần, phụ nữ đi giày cao gót, ngồi vắt chân thường xuyên.

- Người thừa cân, béo phì hay người cao tuổi.

- Người táo bón kinh niên, chế độ ăn ít chất xơ và vitamin, bẩm sinh, nội tiết, hút thuốc lá...

Điều trị bệnh như thế nào?

- Thay đổi thói quen làm việc và sinh hoạt: tránh đứng lâu, ngồi nhiều…, xây dựng chế độ dinh dưỡng với đa dạng thành phần chất xơ và vitamin C nhằm mục đích tăng cường sức bền thành mạch, phòng ngừa biến chứng viêm thành mạch, sử dụng các thuốc tăng cường trương lực tĩnh mạch và mang vớ y tế đúng theo hướng dẫn. Tuy nhiên khả năng tái phát là khá cao.

- Trong những trường hợp nặng hơn ở giai đoạn muộn của bệnh, các biện pháp không can thiệp kể trên cần được thay thế bằng các phương pháp ngoại khoa như chích xơ tĩnh mạch, phẫu thuật lấy bỏ các túi tĩnh mạch giãn…

Song song với Y học hiện đại, việc sử dụng các phương pháp Y học cổ truyền đang là một xu thế của thời đại, giúp kéo dài khoảng thời gian giữa 2 đợt tái phát. Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên đã và đang ứng dụng nhiều phương pháp điều trị mang lại hiệu quả ưu việt: dùng thuốc Y học cổ truyền, cấy chỉ, châm cứu, tập dưỡng sinh…

Lời khuyên chúng tôi dành cho bạn: khi có các triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch chi dưới, hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, tư vẫn và điều trị kịp thời, tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra.


Tác giả: Bs Trần Ngọc Hân