VIÊM LOÉT DẠ DÀY TÁ TRÀNG NÊN ĂN GÌ VÀ KIÊNG ĂN GÌ?

25/06/2021

VIÊM LOÉT DẠ DÀY TÁ TRÀNG NÊN ĂN GÌ VÀ KIÊNG ĂN GÌ?

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là một bệnh phổ biến, có xu hướng ngày một gia tăng và trở thành một vấn đề cộng đồng đáng quan tâm hiện nay. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, thường kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc và làm giảm sức lao động của toàn xã hội.

*Viêm loét dạ dày tá tràng gì?

Viêm loét dạ dày tá tràng là thuật ngữ dùng để chỉ bệnh lý tổn thương niêm mạc dạ dày và tá tràng.

*Triệu chứng thường gặp:

Đau vùng bụng trên rốn (hay còn gọi là đau vùng thượng vị), nóng rát thượng vị, ợ hơi ợ chua, đầy bụng khó tiêu, buồn nôn hay nôn, giảm ngon miệng, giảm cân. Tuy nhiên, có đến 1/3 người cao tuổi không có triệu chứng rõ rệt.

Khi bị viêm loét dạ dày tá tràng, ngoài việc dùng thuốc thì chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong việc điều trị, làm giảm tác động của acid tiết ra trên niêm mạc dạ dày, giúp bệnh mau hồi phục. Dưới đây là một vài lưu ý về ăn uống cho những người mắc bệnh này:

Ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, cụ thể:

+     Thực phẩm giàu đạm: Trứng, cá, thịt, đậu hũ,…

+      Sữa các sản phẩm của sữa

+      Ngũ cốc: Tinh bột dễ tiêu như cơm, cháo, bánh mì, khoai củ nấu hoặc luộc chín kỹ.

+      Rau củ quả nấu chín.

Ăn các thức ăn nấu chín mềm, tránh thức ăn cứng sống. Nên ăn những món hấp, luộc, hạn chế những món chiên, xào dầu mỡ…

Nên dùng dầu thực vật được chế biến từ các loại hạt.

Hạn chế dùng một số thực phẩm không có lợi cho bệnh như sau:

+  Thực phẩm gây tổn thương niêm mạc dạ dày: rượu, bia, cà phê, trà đặc; các gia vị cay nóng như tiêu, ớt…; món ăn dầu mỡ, tẩm nhiều gia vị; đồ ăn chế biến sẵn có chất bảo quản như xúc xích, lạp xưởng…

+  Thực phẩm gây tăng acid dạ dày: trái cây chua (cam, chanh, xoài…); thực phẩm chua (dấm, mẻ).

+  Thực phẩm sinh hơi, chướng bụng: dưa cà muối, dưa cải, hành, cần tây…; các loại nước ngọt, nước trái cây có ga…

*Lời khuyên của chúng tôi dành cho bạn:

Nấu chín, ninh nhừ thức ăn, không nên dùng thực phẩm sống.

Nhai kỹ, ăn chậm.

Tránh việc ăn một bữa quá no, mà thay vào đó nên chia ra nhiều bữa nhỏ trong ngày (4-5 bữa). Việc này vừa hạn chế tình trạng dạ dày bị căng đầy, vừa khiến dạ dày luôn được trung hòa acid vì luôn có thức ăn.

Hạn chế ăn cơm chan lẫn canh, khiến thức ăn không được nhai kĩ.

Tránh mọi hoạt động thể chất, hay chạy nhảy, lao động ngay sau khi ăn.



Tác giả: ĐD Nguyễn Thị Minh Trâm